Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Tìm hiểu những nét độc đáo về bản Cát Cát ở Sapa

Bản Cát Cát Sapa là một điểm du lịch nổi tiếng được nhiều du khách biết đến, sở dĩ như vậy bởi bản Cát Cát có phong cảnh đẹp, những ngôi nhà sàn độc đáo của người dân tộc Mông và những nét đẹp trong văn hóa của họ.


Đây là một bản lâu đời của người Mông, cách trung tâm thị trấn Sa Pa 2km. Những năm gần đây, cái tên bản Cát Cátluôn nằm trong danh sách những điểm tham quan của các tour du lịch Sapa. Đây là bản đã có từ lâu đời và là một địa điểm du lịch văn hóa lý tưởng cho du khách khi muốn tìm hiểu và khám phá về đời sống và con người vùng Tây Bắc.

Từ trung tâm thị trấn Sa Pa đi khoảng ba cây số, từ phố nhỏ Fansipan qua con dốc sâu hút, ngoằn ngoèo là đến bản Cát Cát, thuộc xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, Lào Cai. Bản nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, trong thung lũng với ba bề là núi, nơi người dân tộc Mông sinh sống.

Ở bản Cát Cát - Sapa có một thác nước rất đẹp mà theo tiếng Pháp là CatScat. Từ đầu thế kỷ XX, người Pháp đã phát hiện và chọn nơi đây làm khu nghỉ dưỡng cho các quan chức. Cũng từ đó, bản của người dân tộc Mông nằm bên dòng thác có tên là bản Cát Cát cho đến ngày nay.
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgfqohweYgErF9tDaaUQVIX2RWX4uH2PUJy57NnF5wsv-CuUt1Ag2h7c_p2vrM_wuj70F72d7PvVyUwWSsG-_VRvnHi3r_XYiWCkBNXdc1Vnng8YrtRtC4Yry6ilEPBoOEidiAe6VqPZ9EM/s1600/ban-cat-cat.jpg
Bản Cát Cát- Sapa

Ðường xuống bản Cát Cát là độc đạo, hết đoạn đường dốc được trải thảm bê-tông thì đến những bậc thang lát đá. Gần 80 hộ dân của bản hầu hết nằm dọc theo con đường này, một số nằm rải rác trên các sườn núi. Ði khoảng mấy trăm mét bậc thang, qua cây cầu Si là trung tâm Cát Cát, nơi hội tụ của ba dòng suối ngày đêm rì rầm chảy, là suối Tiên Sa, suối Vàng và suối Bạc.

Kiến trúc nhà của người Mông ở làng Cát Cát - Sapa còn mang nhiều nét cổ như: nhà ba gian lợp ván gỗ pơ mu, các cột nhà đều được kê trên phiến đá tròn hoặc vuông, vách được lợp bằng gỗ xẻ, có 3 cửa ra vào, cửa chính ở gian giữa, 2 cửa phụ ở hai đầu nhà. Cửa chính luôn được đóng kín, chỉ mở khi có việc lớn như đám cưới, tang ma, cúng ma vào dịp lễ Tết. Trong nhà có không gian thờ, sàn gác lương thực dự trữ, nơi ngủ, bếp và nơi tiếp khách.

Dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi, nhưng trang phục truyền thống của người Mông vẫn được dân bản gìn giữ. Với phụ nữ, khăn là tấm vải chàm hình chữ nhật quấn quanh đầu, áo mặc bên trong là màu chàm, xẻ ngực, áo khoác ngoài có thân dài, cổ áo thêu hoa văn theo mô-típ họa tiết cổ. Thắt lưng được làm bằng vải có tua ở hai đầu, giữa thêu các họa tiết. Quần lửng qua đầu gối, bắp chân quấn xà cạp màu chàm.

Ðàn ông người Mông phần lớn vẫn đội chiếc mũ làm bằng vải lanh, gồm tám miếng vải khâu ghép, mặc áo trong xẻ nách ngắn, áo khoác ngoài dài. Cổ áo thêu hoa văn móc câu kiểu hoa văn đơn; quần chàm màu đen, ống rộng. Tuy nhiên, do sự phát triển của đời sống, rồi tiếp xúc, trao đổi, học hỏi... một số phụ nữ người Mông đã có kiểu kết hợp trang phục nửa truyền thống, nửa hiện đại với áo phông, quần ống rộng, hoặc váy xòe, đầu đội khăn Mông...

Người Mông ở bản Cát Cát sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa trên các ruộng bậc thang, các nghề truyền thống như dệt vải, chạm trổ bạc và rèn nông cụ.

Qua những khung dệt, người Mông tạo nên những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc và hoa văn mô phỏng cây, lá, hoa, muông thú... Gắn liền với công đoạn dệt vải bông, vải lanh là khâu nhuộm và in thêu hoa văn, phổ biến là kỹ thuật nhuộm chàm, nhuộm nước tro thảo mộc và cây lá rừng. Vải nhuộm xong được đánh bóng bằng cách lăn vải với khúc gỗ tròn trên phiến đá phẳng có bôi sáp ong.

Ngoài nghề dệt, bản Cát Cát còn có nghề chạm bạc truyền thống rất độc đáo. Được làm hoàn toàn bằng thủ công nhưng nghề chế tác đồ trang sức bằng bạc, đồng của làng đã tạo ra những sản phẩm khá tinh xảo. Chủ yếu là đồ trang sức của phụ nữ như vòng tay, vòng cổ, nhẫn, dây xà tích… Đây là một nghề đã tồn tại từ nhiều đời, nay mang lại thu nhập đáng kể cho nhiều người dân nơi đây.


Là một trong những điểm du lịch hấp dẫn tại Sapa không phải chỉ bởi vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng mà bản Cát Cát còn là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa của núi rừng Tây Bắc. Đến với bản Cát Cát, du khách sẽ được tham quan khu giới thiệu và bán sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Khu trưng bày không nổi bật, hoành tráng như các nơi khác mà được dựng lên đơn sơ bằng những thanh gỗ, ống tre, giằng lại với nhau mà thành. Không gian tuy không lớn nhưng cũng thể hiện rõ bàn tay khéo léo của những người phụ nữ miền núi qua một số bộ trang phục dân tộc treo dọc lối vào hay những bức thêu thủ công treo ngay ngắn bên vách, trên các xà gồ giữa gian trưng bày.

Du khách cũng sẽ có dịp tìm hiểu về các món ăn độc đáo của dân tộc Mông. Người Mông ở bản Cát Cát có rất nhiều món ăn với cách chế biến phong phú độc đáo như rượu ngô Mông, thắng cố, thịt hun khói "khăng gai", tiết canh gà, nhái nấu măng, bánh ngô, món đậu xị...



Bản Cát Cat


Và điều đặc biệt hấp dẫn khi đến bản Cát Cát là du khách có cơ hội được tìm hiểu nhiều phong tục - tập quán, tham gia vào các lễ hội truyền thống mà người Mông nơi đây còn lưu giữ cho đến nay như tục kéo vợ, các nghi lễ cúng thổ ty - thổ địa, lễ hội Gầu Tào...

Các nghi lễ cúng thổ ty - thổ địa là những sinh hoạt văn hoá cộng đồng, được tổ chức vào các thời điểm đầu xuân hoặc tháng cuối hè và mùa thu, chỉ có quy mô nhỏ và diễn ra trong phạm vi của làng. Các nghi lễ cúng này thể hiện sự tôn kính và biết ơn những vị thần là những người có công lập làng.

Một phong tục cũng rất độc đáo của người Mông là tục kéo vợ. Khi người con trai quen biết và đem lòng yêu một cô gái, anh ta sẽ tổ chức làm cỗ mời bạn bè và nhờ các bạn lập kế hoạch "kéo" cô gái về nhà một cách bất ngờ, giữ cô trong ba ngày. Sau đó, nếu cô gái đồng ý làm vợ chàng trai thì sẽ tiến hành lễ cưới chính thức. Nếu cô từ chối thì họ cùng nhau uống bát rượu kết bạn và mọi việc trở lại bình thường như chưa có điều gì xảy ra.

Nếu đến bản Cát Cát vào những ngày đầu năm, du khách sẽ được tham gia lễ hội Gầu Tào của người dân bản. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, là hình ảnh thu nhỏ của đời sống tâm linh, đời sống văn hoá tinh thần - vật chất của đồng bào dân tộc Mông. Lễ hội mở ra nhằm mục đích cầu phúc hoặc cầu mệnh cho những người dân bản.

Ngày nay, để phát triển tiềm năng du lịch bản Cát Cát, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai đã triển khai thực hiện nhiều chương trình như: “Ngày hội văn hóa bản Mông Cát Cát”, chương trình du lịch trải nghiệm “Một ngày làm nông dân người Dao” và “Một ngày làm cô dâu người Mông”… Tham gia những chương trình này, du khách sẽ được tìm hiểu, khám phá vốn văn hoá dân gian của người dân địa phương qua các làn điệu múa cổ truyền, lời ca giao duyên của các nghệ nhân trẻ hoạt động trong đội văn nghệ của bản, hoặc được tận mắt ngắm nhìn các nghệ nhân cao tuổi chạm khắc bạc, dệt vải lanh, thêu thổ cẩm làm váy áo, rèn dao cuốc bằng tay, hay cùng dân bản thi bắn nỏ, chơi trò bịt mắt bắt dê, thi kéo co, thi đi cầu tre qua suối...

Với những nét độc đáo riêng có của một bản vùng cao Tây Bắc, bản Cát Cát và bản Tả Phìn đang là một điểm du lịch lý tưởng khi muốn tìm hiểu về đời sống và văn hóa người dân tộc, một địa chỉ thích hợp cho những ai muốn nghỉ ngơi, hòa mình cùng thiên nhiên hoang dã khi đã mệt mỏi với đời sống đô thị. 
Đến Sapa và tận hưởng những phút giây thư giãn thoải mái và chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên nhé. Sapa quả thật rất xứng đáng khi được gọi là thiên đường du lịch.
Nguồn: Tổng hợp


0 nhận xét:

Đăng nhận xét